Translate

Libellés

découvert (110) thơ; văn; nhạc; ảnh chụp; Caroline Thanh Hương (68) photographie (59) ký ức Việt Nam (44) santé (36) nghe đọc truyện hay (35) touriste (35) science naturelle (29) événement (28) nhạc Việt (27) nhạc Phạm Đức Nghĩa (20) art culinaire (19) philosophie (15) psychologie (15) văn chương (14) xã hội (12) nhạc không lời (11) science (11) ảnh Hương Kiều Loan (10) science économique (9) đọc và nghe đọc truỵên hay (9) xã hội Mỹ (8) aventure (6) news (6) société (6) thơ Đỗ Quý Bái (6) économie kinh tế (5) lịch sử (5) show Caroline Thanh Hương (5) sử Việt Nam (5) art (4) du lịch (4) littérature vietnamienne (4) Education (3) littérature (3) thơ Trần trọng Thiện (3) Canada (2) Les Contes vietnamiens truyện cổ tích việt nam (2) cách làm thơ hay và đúng (2) histoire secrète (2) l'histoire de France (2) mythe (2) technologie (2) thơ Huy Văn (2) thơ Hư Hao (2) tùy bút Caroline Thanh Hương (2) văn (2) Cần Thơ (1) David Oïstrakh (1) Dì Bùi Lệ Khanh (1) Economie (1) Montréal (1) Petrus Ky (1) Phan Thuận Breton (1) Québec (1) Stephen Hawking (1) Thơ văn Nguyễn Kiề (1) Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng (1) Tạp Chí Dân Văn (1) Văn Xuân Vũ (1) astuce (1) bình luận Thuỵ Khê (1) ca sĩ Phi Nhung (1) ca sĩ Phạm Khải Tuấn (1) chân dung France Gall (1) fashion Jean-Paul Gaultier (1) fashion áo dài Việt Nam (1) học tiếng anh (1) informatique (1) ingénierie (1) nhạc Ngô Hồng Quang (1) nhạc Phạm Mỹ Lộc (1) nhạc ngoại quốc (1) nhạc ngoại quốc Steve Earle (1) photographie Vu Cong Hien (1) sport (1) thơ Chẩm Tá Nhân (1) thơ Lê Quang Chiểu (1) thơ Nhất Hùng (1) thơ Thanh Thanh. (1) thơ Trần Văn Lương (1) truyện ngắn; thơ Trần Văn Lương (1) văn Huy Phương (1) văn Thế Lữ (1) văn Tràm Cà Mau (1) văn chương văn nghệ Đoàn Thế Ngữ (1) văn câu đối (1) văn Đoàn Xuân Thu (1) xem phim hay tiếng ngoại quốc (1) Đại Học Văn Khoa (1)

samedi 26 décembre 2015

Tìm hiểu người Mỹ homeless ở Little Saigon.

Người Mỹ da vàng “sợ” gia đình

 Người Mỹ da trắng 'thà sống một mình'


Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đêm Đông, càng gần Lễ Giáng Sinh mà nhiệt độ về khuya càng lạnh thì người ta càng ngủ ngon giấc. Ông Lý Trung Hải và Mike Fleming, một da vàng, một da trắng, cùng có những giấc ngủ không tròn vì cái lạnh đêm Đông. Họ là những người vô gia cư, ngủ ngoài đường phố Westminster, trong khu Little Saigon.

Người Mỹ da vàng “sợ” gia đình
 

Cư dân "bán chính thức" Lý Trung Hải tại Westminster. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Lý Trung Hải, 44 tuổi, “cư dân” Westminster, lắc đầu nói: “Làm sao mà ngủ được, nhất là khi có mưa đêm. Mà nếu nói là lạnh quá tới nỗi mất ngủ thì là nói láo để xin xỏ lòng thương hại của người khác mà thôi. Nhưng rất là khó ngủ. Khó vô cùng.”
Ông có khuôn mặt sáng sủa, dễ gây thiện cảm với người đối diện với nụ cười lém lỉnh và cặp mắt không lẩn tránh.
Ban ngày, ông thường ngồi trước cửa tiệm fast food Lâm Vân, Westminster.
“Trừ những lúc phải trình diện cảnh sát quản chế, tôi ưa ngồi ở đây. Giờ giấc có thể thay đổi nhưng từ Thứ Hai tới Thứ Bảy, ngày nào tôi cũng phải trình diện. Họ bắt tôi học lớp kiềm chế sự nóng giận cũng như để kiểm tra nước tiểu tôi, coi tôi có xài ma túy nữa hay không,” ông cho biết.
Mỗi ngày ông “kiếm” được chừng $25. “Tháng trước, có ngày tôi được $50. Lâu lắm mới được một lần,” ông cười hớn hở.
Món ăn ông thích nhất là thịt heo quay ba rọi ăn với cơm trộn xì dầu.
Rất tiếc là số tiền trợ cấp thực phẩm của ông không thể mua món này được. “Tiền Obama cho tôi, tôi chỉ mua nước, bánh ngọt, bánh mì và thịt nguội thôi,” ông Hải nói. “Ngồi đây, lâu lâu, ông chủ Lâm Vân có cho tôi tô cháo lòng. Ăn ngon. Ông ấy là người tốt.”
Nhìn tổng quát, ông Hải sạch sẽ hơn đa số những người vô gia cư và cách trang phục của ông cũng tươm tất hơn. “Mỗi tuần tôi giặt quần áo một lần và ngày nào tôi cũng lau người trong nhà vệ sinh tiệm cơm tấm Thuận Kiều (Westminster, gần chợ ABC)," ông cười hãnh diện.
Ông tiếp: “Mình ở ngoài đường 24/24 mà nếu không giữ vệ sinh thì rất dễ bị ghẻ ngứa.”


Ông Hải nói: "Đây là những chỗ nứt vì lạnh của tôi." (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chỗ ngủ của ông là bên ngoài tiệm Phở 2 Tô, Westminster. “Phía trước có ghế xa lông nhưng tôi không bao giờ lên đó ngủ. Mình không muốn làm phiền ai hết,” ông Hải nghiêm nghị nói.
“Thực tình mà nói, con người mình rất mạnh, mạnh hơn mình biết. Phải tới khi mình không có sự lựa chọn thì sức mạnh thực sự của mình mới bộc phát ra ngoài,” ông Hải nói thêm một cách mạch lạc.
“Bữa trời mới trở lạnh mà sương đêm phủ trắng đường tôi mới hiếu thế nào là lạnh thấu xương," ông vừa nói vừa rùng mình.
Từ Seattle, ông đến California được bốn năm. Ba năm qua, ông sống trong cảnh lao tù tại Orang County khi bị bắt vì tội hút sách. “Đúng ra chỉ 'chơi' xì ke thì không tới nỗi bị tới ba năm đâu, nhưng vì tôi có tiền án nên mới bị kết án lâu vậy thôi,” ông giải thích.
Khi được trả tự do khoảng năm tháng trước, ông Hải được chính phủ cấp cho $200. Ông nói: “Tiền này kêu là 'tiền cửa' (gate money).”
Ông cười to rồi nói: “Hồi còn trong tù, tôi tưởng tượng khi được thả sẽ tha hồ ăn món này, món kia. Ai dè, ngồi trong nhà trọ nhìn ra thấy mấy cô gái ăn mặc hở hang đứng ở góc đường, lòng tôi nao nao lạ lùng rồi bụng no ngang, không muốn ăn gì hết.”
Ông Hải còn cha mẹ cùng hai người em trai ở Seattle và vẫn liên lạc với gia đình thường xuyên. “Ba má tôi rất khá giả và kêu tôi về hoài nhưng hiện giờ tôi chưa muốn,” ông kể.
“Tại sao tôi còn do dự, chưa muốn về? Nhiều đêm lạnh quá, tôi rất muốn về chứ. Nhưng đã quá nhiều lần tôi làm ba má khóc vì tôi. Bây giờ, nói thật, tôi mắc cỡ lắm. Mình chưa được một ngày nào báo hiếu mà toàn là 'quậy' cho mọi người điên đầu nên về bây giờ chưa tiện,” ông tâm sự. “Kẹt thêm chuyện nữa là trong hai đứa em tôi, một đứa rất đàng hoàng, chăm chỉ làm ăn. Đứa kia, trời ơi, nó còn 'quậy' hơn tôi hồi đó.”
Ông cương quyết nói “khi nào biết cách khuyên giải em tôi không còn xì ke ma túy nữa và bỏ thói 'cỡi ngựa cầm cung' nữa thì tôi về.”
Khi được hỏi “cỡi ngựa cầm cung” có phải là đi theo băng đảng, ông Hải chỉ ngao ngán thở dài, không trả lời. “Nghĩ mà tội cho ba má tôi,” ông nở nụ cười mếu mó với cặp mắt nhòa lệ.
“Đầu óc tôi không bình thường. Tôi toàn làm những ai thương tôi phải khóc. Tôi chưa bao giờ cố ý mà sao cứ làm vậy hoài,” ông thở dài.
“Lạnh, tôi không sợ vì tôi mặc hai áo len thun bên trong, thêm áo lạnh bên ngoài mà còn nằm trong sleeping bag nữa. Tôi không sợ lạnh mà chỉ sợ nhìn ba má tôi lúc này,” ông Hải nói nhỏ và cúi gầm mặt.

Người Mỹ da trắng 'thà sống một mình'

Cách tiệm fast food “của” ông Lý Trung Hải không xa, trong công viên West Park, Westminster, gần góc đường McFadden và Beach, ông Mike Fleming, 56 tuổi, dừng “chiếc xe di động sản” của mình rồi ngồi bệt bên cạnh cái bàn công cộng bằng kim loại sơn màu xanh lá cây.
 

Ông Mike Fleming, một họa sĩ không nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong xe, ông có một cái chăn bông loại rẻ tiền màu vàng ố ở giai đoạn gần thành nâu. Bên trong cái chăn là “tài sản” đích thực của ông: Một cuốn sách vẽ còn mới.
Khư khư bấu chặt cuốn sách vẽ bằng những ngón tay héo quặt, ông Mike phân trần, da trắng nhưng cuộc sống không nhà đã nhuộm ông thành người có nước da màu “thế giới.”
Gương mặt phong trần của ông hằn sâu những chứng tích của sự khổ đau chất chồng cùng năm tháng. Mỗi khi ông căng môi cố tạo một nụ cười, hai hàm lợi không răng trở thành xiêu vẹo làm cằm ông như dài và nhọn hơn.
Ông “ngụ” giữa bụi cây và chân tường thuộc khuôn viên văn phòng nha khoa “K & P,” Westminster, tại góc đường McFadden và Beach (bên kia đường, nhìn sang hông siêu thị Thuận Phát).
Cũng có trợ cấp thực phẩm hàng tháng nhưng ông vẫn cảm thấy thèm thức ăn. “Một năm rưỡi rồi tôi không có một bữa ăn nóng. Thèm lắm. Tôi biết có những nơi phát đồ ăn nóng nhưng tôi không dám gặp những người quen. Sợ bị rủ rê làm bậy nữa,” ông Mike bày tỏ nỗi lo.
“Đêm qua trời mưa cả đêm nên tôi quấn chăn ngồi dưới mái hiên chứ không nằm trong bụi cây như lệ thường. Tôi phải ngồi vì hai mũi tôi nghẹt cứng, nằm thì không thở được. Tôi không ngủ vì hai hàm tôi nhức buốt, đành phải lảm nhảm một mình cho quên đi,” ông Mike bình thản nói.
“Cái lạnh ban đêm mùa Đông hay cơn mưa đêm qua chỉ là những bất tiện của cuộc sống ngoài đường mà thôi. Sống không nhà, dĩ nhiên là phải chấp nhận tất cả. Nóng thì người tôi ngứa ngáy đến nỗi gãi rách hết da, máu ứa đầy người. Lạnh thì như tôi vừa nói. Hên cho tôi là đêm qua có chút tiền, được uống chút bia nên đêm cũng qua mau,” ông tiếp.
Rồi ông tình thật: “Hôm nào trời thương, tôi kiếm được $20 mua xì ke thì thời tiết không ảnh hưởng gì đến tôi cả.”
Ông Mike nói về mình: “Tôi sống ngoài đường lần này được một năm rưỡi rồi."
Cuộc sống của ông là một sự đọa đày từ thuở bé. Tuổi thơ ông đầy rẫy những lời nguyền rủa của mẹ và những đòn thù chát chúa của cha. Đầu óc ông, có lẽ vì thế, ít nhiều bị ảnh hưởng nên ông chưa bao giờ được cắp sách đến trường. “Nhiều đêm tôi cố moi óc, nhớ lại đã có bao giờ được nghe lời nói yêu thương từ song thân tôi, nhưng dù đêm có dài đến bao lâu, tôi vẫn không nhớ ra được,” ông nhỏ giọng.
Ông Mike nhíu trán: “Gia đình tôi chỉ còn đứa em trai duy nhất ở Dana Point trên đường đi San Diego. Vậy mà lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau, nó nói rằng tôi chỉ nên gặp nó khi nào tôi không cần nó giúp đỡ. Không cần nó giúp đỡ? Nó có nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn. Còn tôi thì vô gia cư, gia tài chỉ có mấy tấm hình vẽ bằng bút chì và một cái đầu khùng khùng, điên điên mà nó bắt tôi không được cần nó. Thôi thì tôi đành phải không cần ai nữa hết,” nước mắt rơi lã chã xuống má ông.
Ông trở nên run run, lạc giọng: “Tôi không phải người xấu. Nhưng không hiểu vì sao tôi cứ làm những điều mà cảnh sát không thích. Từ năm 16 tuổi, tôi sống trong tù nhiều hơn bên ngoài. Tôi không phải là tôi phạm nhưng cái đầu tôi như bắt tôi vi cảnh hoài.”
Ông Mike thích sống trong tù hơn vì ở đó, ông không phải đi bộ suốt ngày và tối ngủ ngoài trời. “đặc biệt nhất là tôi có thời gian yên tĩnh để vẽ. Tôi vẽ nhiều lắm. Nhưng lần vừa ra tù kỳ này, mới đêm thứ nhì, người ta lấy trộm hết của tôi, mấy trăm tấm hình và đôi giày người ta vừa cho,” ông tiếc nuối.


Một bản phác họa mới nhất của ông Mike Fleming. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông đặt cuốn sách vẽ xuống đất và khoe một bản phác họa một bộ máy xe hơi do ông vẽ lại từ một cuốn tạp chí. “Một người đàn bà tốt vừa cho tôi cuốn sách này chiều hôm qua. Tôi mới vẽ đêm qua. Chắc cả tuần nữa mới xong,” ông hãnh diện nói.
“Tôi thà không cần ai trên đời vì tôi không thích sự nhục nhã nữa. Tôi thích vẽ vì phải có tôi, những bức vẽ mới thành hình. Vẽ hoặc xì ke đều làm cho đêm qua mau và làm tôi không thấy lạnh.” ông kết.
 

Những kẻ không nhà trên phố Bolsa

Tháng Ba 8, 2011
Huy Phương/Người Việt: Ở Mỹ “homeless” là chuyện thường tình như chúng ta thường thấy ở các thành phố lớn. Năm nay vì khí hậu khắc nghiệt, nhiều cơ sở quân đội đã mở cửa cho những người không nhà vào trú ngụ, tuy nhiên đối với những người này, đường phố vẫn là nơi tự do và “tiện nghi” hơn. Người Việt Nam ít có cảnh không nhà, vì người mình vốn tiện tặn, căn bản, có bà con bạn bè, giúp đỡ cưu mang cho nhau, chịu ở chung với nhau trong một căn nhà nhỏ chật hẹp, rẻ tiền.
Ðôi bạn không nhà. (Hình: Huy Phương/Người Việt)
 
Tuy vậy, người Việt không phải là không có “những kẻ không nhà”.
 
Vô gia cư và bệnh tâm thần
 
Những người qua lại trên đường Bolsa, đến góc đường Moran, phía rẽ vào tòa báo Người Việt, trước tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches, thỉnh thoảng thấy một cô gái, ăn mặc lòe loẹt, cổ đeo nhiều chuỗi vòng sặc sỡ, ca hát nhảy múa, tay ngoắt chào những người qua đường. Người ta thường gọi đó là cô gái điên, một trong những người không nhà, sống thường trực dưới những mái hiên của những đường phố Little Saigon.
Ðến gần, ngồi xuống bên vệ đường, nói chuyện tử tế với cô, chúng ta thấy cô không điên tí nào. Những người khác thường gọi cô là Liên nhưng tên thật đầy đủ của cô là Vũ Thị Thu Lan, sinh ra tại Rạch Giá, 10 năm sau ngày cha mẹ cô từ Bùi Chu di cư vào Nam. Gia đình cô làm nghề buôn bán vật dụng xây cất ở thị xã này và cô Lan có cả thẩy bảy anh chị em. Năm cô học lớp 6 thì Cộng Sản vào, cô bỏ học phụ giúp gia đình rồi vượt biên sang Mỹ. Lập gia đình năm 1981, hai vợ chồng cô cũng có một cơ sở làm ăn nhỏ, nhưng ông chồng lâm cảnh cờ bạc rượu chè, làm gia đình tan nát. Cô đem hai cô con gái ra riêng, không có được trợ cấp từ chồng, vất vả lo cho hai con… Bây giờ hai cô gái đã lớn, bỏ đi miền Ðông với bạn bè làm ăn, còn cô buồn tình ra nằm đường.
Hỏi lý do vì sao cô chọn góc đường Bolsa-Moran làm nơi trú ngụ, cô cho biết mỗi ngày cô uống mấy cữ cà phê, lại có bánh mì rẻ khỏi lo đói. Nơi đây có nhiều người qua lại, cũng không thấy ai ghét cô, nhiều người có lòng tốt lại cho tiền hay mua cơm gà, cơm chay đem đến cho cô, mặc dầu cô không hề để bảng xin tiền hay cho biết cô là homeless. Cô giới thiệu với chúng tôi anh Phạm Ðình Thuận là bạn “không nhà” của cô, anh đến Mỹ từ Phan Thiết năm 1980, nhỏ hơn cô 7 tuổi. Sang đây, anh làm phụ các công tác xây cất, thất nghiệp, uống rượu rồi ra… đường nằm với cô Lan. Cô cho biết, thân gái sống một mình, dễ xẩy ra những chuyện không hay nên cặp với Thuận cho có bạn. Anh vừa bảo vệ cho cô, vừa là bạn khuya sớm trò chuyện, với lại Mùa Ðông năm nay ở Little Saigon quá lạnh, homeless mà có bạn ngủ chung cũng ấm. Chỗ ngủ là trước tiệm Happy Rentals trên con đường “báo chí” Moran.
Thấy cô ngồi bên một chiếc ghế có hình tượng Chúa, tôi hỏi cô sao không đi nhà thờ mà để tượng Chúa “xuống đường” với cô ở đây, cô cho biết, lúc trước cô thường đi nhà thờ Our Lady LaVang trên đường Harbor, nhưng cách ăn mặc, trang sức của cô không làm vừa ý những người “bảo vệ” nhà thờ. Cô ngồi ở hàng ghế trên để nghe giảng cho rõ, có người đến bắt cô xuống ngồi ở phía sau, cô không đồng ý, đưa đến giằng co xô xát, và có người gọi cảnh sát đến can thiệp.
Ðôi bạn không nhà này thỉnh thoảng cũng bị cảnh sát đến “hỏi thăm sức khỏe”, đóng tiền phạt, làm việc cộng đồng thì khỏi vô tù, nhưng riết rồi cũng đâu vào đấy.
 
Nguyễn Tú, không muốn nhắc đến gia đình.
 
Quanh quẩn ở vùng này, sáng nay còn có Hoàng, người con lai Mỹ trắng đẹp trai, cao to hay Nguyễn Tú, còn trẻ chỉ khoảng ngoài 30 tuổi. Họ ngồi gần nhau ngoài bờ đường nhưng lại vung tay đá chân gây gổ, lớn tiếng với nhau vì bất đồng với nhau một chuyện gì đó, trong khi Hoàng Lai cầm một chai bia lớn bọc trong bao nhựa, còn Tú thì sặc mùi rượu tuy lúc đó mới khoảng 10 giờ sáng. Phúc, một homeless khác thì ăn mặc sạch sẽ, chững chạc, ăn nói từ tốn hơn.
 
Vươn lên từ cảnh không nhà và nỗi tuyệt vọng
 
Nguyễn Văn Tiền, 48 tuổi, quê ở Quận 8 Saigon, hiện nay là “chủ nhân” một sạp báo trước cửa tiệm Liên Hoa và Khang Lạc, hiện nay đã giã từ những ngày đói rách, lang thang ngủ ngoài đường, dưới mái hiên, bên cạnh thùng rác trong hơn 10 năm dài. Vượt biên từ cầu Rạch Ông, Saigon, Nguyễn Văn Tiền đến Mỹ năm 1981, có nghề đầu bếp, nấu được các món nhậu, đi làm tại nhà hàng Việt một thời gian. Năm 1993, Tiền đổi qua nghề đi biển đánh cá trong vùng biển Long Beach và Santa Barbara. Cuối Mùa Ðông năm đó, tàu bị mưa bão đánh chìm, Tiền và người bạn may được tàu hải quân duyên phòng cứu sống. Trắng tay, bệnh hoạn, bị gia đình vợ đuổi ra khỏi nhà, anh lưu lạc tới vùng San Bernadino, phụ làm nghề cắt cỏ. Buồn phiền chuyện gia đình, Tiền uống rượu, lái xe bị tù gần hai năm. Ra tù, anh chỉ có một con đường duy nhất là ra… nằm đường.
 
Nguyễn Văn Tiền, giã từ đời homeless.
 
Ðược Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế có phòng mạch trên đường Bolsa, nơi các anh em không nhà thường tụ tập, giúp đỡ và an ủi, Tiền dành dụm đi lấy nhật báo, tuần báo giá sỉ, đem về bày bán trước cửa tiệm thịt quay Liên Hoa. Tờ báo 25 cents nhưng có người cho 1, 2 đồng, cũng có người mua thức ăn đem đến cho. Công việc khá trôi chảy, nhưng không phải lúc nào anh cũng kiếm ra tiền, vào mùa World Cup, dân mua báo được phát báo free, ăn miễn phí, lại được coi tiếp vận các trận bóng, thì sạp báo lỗ nặng. Vì báo phải mua đứt, không trả lại, vào thời gian này, báo ế, có ngày phải ăn thâm vào tiền để dành, tuy vậy, Nguyễn Văn Tiền cũng thoát ra được cảnh ngủ đường, mỗi tháng có $300.00 để đi share phòng, có nơi về buổi tối, tắm rửa và ngủ yên giấc, có xe đạp và cell phone. Anh Tiền cũng bùi ngùi thú nhận, từ những ngày đang đói rách, anh đã bỏ 25cents vào những thùng báo tại các khu thương mãi và bê ra hàng chục tờ báo bày bán, nhưng bây giờ anh thấy điều đó là hoàn toàn sai trái và biết làm ăn thật thà, chơn chất.
Là một trong những người lớn tuổi nhất trong đám homeless Bolsa, anh Nguyễn Văn Tiền cho biết rất dễ trở thành không nhà. Hiện nay, trong vùng Bolsa có khoảng 20 người, họ chia nhau, ngủ tản mác, nhiều nhất là đoạn đường Bolsa, quanh khu Phước Lộc Thọ, vì nếu tập trung sẽ bị cảnh sát để ý. Thanh niên đến Mỹ một mình, không bà con, họ hàng, làm ăn thất bại, sinh ra cờ bạc, rượu chè, ma túy rất dễ trở thành homeless. Hoàng Mỹ Lai thì bị vợ bỏ, Nguyễn Tú thì bị gia đình ruồng rẫy, xua đuổi. Khi tôi đặt câu hỏi với Tú về lý do anh phải bỏ nhà sống lang thang, mặt Tú như đanh lại, và anh lớn tiếng: “Chuyện dài nhiều tập, bắt đầu từ tập nào đây?”
Cũng theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Tiền, mỗi khi đã lâm cảnh không nhà, ra nằm đường rồi, rất khó để trở lại cuộc sống bình thường, mà cần phải có nghị lực để phấn đấu, thoát ra khỏi hoàn cảnh. Nếu có một người vợ, một mái gia đình, sự khoan dung và một bàn tay của cha mẹ, anh em đưa ra để ôm ấp, nâng đỡ, những người lỡ bước, ngã gục, chắc chắn là sẽ có chỗ nương tựa để đứng dậy, quay về.
Nguyễn Tất Nhiên, một thi sĩ nổi tiếng của chúng ta, cũng đã từng là một người không nhà ở Little Saigon, anh nằm chết trong chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân một ngôi chùa năm 1992.
 
 
 

Những cảnh đời người Việt homeless tại Little Saigon


image
BaoMai

Các cán sự xã hội Quận Cam trong một lần tiếp xúc homeless tại Little Saigon. Từ trái: Lance Lindgren, Mark Nguyễn (trực thuộc P.E.R.T.), đang nói chuyện cùng “Anh Ba,” một homeless Việt Nam.
image

Những ngôi nhà trong các lùm cây
WESTMINSTER, California - Đó là một thế giới bình thường, của một nhóm người bình thường, như tất cả chúng ta. Bởi vì, cái thực tế “homeless,” hay “vô gia cư,” chẳng phải là một điều gì bất bình thường. Điều duy nhất khác nhau, giữa những người ngủ ngoài đường, và những người ngủ trong nhà, là trong khi một nhóm người cứ cùng nhau thẳng tiến trong cuộc sống, nhóm kia bị mắc kẹt lại đâu đó trong cuộc đời họ.
Và gánh nặng sẽ đặt nặng trên vai họ. Chính họ, không phải ai khác, sẽ quyết định có “đi” tiếp hay không, và đi đến đâu, trong cuộc sống!
Đối với chúng ta, họ sẽ là một thế giới rất “lạ,” cho đến khi chúng ta, những con người được xem là “bình thường,” bước vào thế giới ấy. Sự hiểu biết lẫn nhau khiến chúng ta giật mình: phản ứng và hành xử của con người trước và trong hoàn cảnh bao giờ cũng giống nhau. Phản ứng ấy không phân biệt một con người đang sống trong nhà hay một con người đang sống nơi lề đường.
image
Trước hết, hãy cùng nhau thừa nhận một điều: homeless không phải là một cái tội; homeless không phải là một tình trạng bất hợp pháp. Sẽ chẳng một ai bị bắt, bị truy tố, hay bị bỏ tù vì “tội homeless” cả.
Là người không có nơi cư trú cố định; hoặc sống trong motel; hoặc bị đuổi khỏi nơi đang cư trú và không thể tìm được một nơi cư trú mới; hoặc đang sống tại các địa điểm không được thiết kế cho một cuộc sống bình thường (như xe, garage, công viên, nhà bỏ hoang...) Một người được xem là homeless thường xuyên nếu người ấy bị tàn tật, hoặc tâm thần, hoặc nghiện ngập... và lâm vào tình trạng vô gia cư liên tiếp tối thiểu một năm; hoặc lâm vào tình trạng vô gia cư tối thiểu bốn lần trong ba năm.
Homeless, đơn giản là không có nhà!
image
Không có nhà, điều này không đồng nghĩa với việc một con người không đi ngủ. Chính cái chuyện ngủ nghê sinh ra lắm điều phiền toái. Và hệ quả pháp lý tất yếu của một homeless là... ngủ ngoài đường.
“Homeless là một tình trạng. Tình trạng không có nơi ở.” Sĩ Quan Cảnh Sát Dave Bridgewaters, thuộc Sở Cảnh Sát Westminster, nói với Người Việt. “Luật không cấm homeless, nhưng luật cấm cắm trại nơi công cộng.” Bridgewaters cho biết. “Mà homeless dựng lều, hay mang mền gối ngủ ngoài đường thì xem như phạm luật.”
Cứ mỗi một lần cảnh sát đi tuần, một homeless, nếu bị bắt gặp ngủ ngoài đường, tức nơi công cộng, sẽ bị cho một giấy phạt (ticket) trị giá khoảng trăm đồng. Mà cái định nghĩa “nơi công cộng” nhiều khi cũng rất oái oăm cho những cảnh đời homeless. Cùng Bridgewaters và Lance Lindgren, một nhân viên Sở Xã Hội Quận Cam, chúng tôi lê la khắp hang cùng ngõ hẻm Little Saigon trong một buổi tối đầu Tháng Bảy. Những “nơi công cộng” mà giới homeless Việt Nam chấm điểm là những lùm cây thấp trong các khu chợ búa hay phía sau các cơ sở làm ăn. Vào buổi tối, đi xe, thậm chí đi bộ, ngang các lùm cây ấy, sẽ chẳng một ai biết được phía bên trong là “nhà” của một homeless. Điều bất hạnh, cho dù ngủ trong lùm cây kín đáo ấy, cái lùm cây lại thuộc về nơi công cộng, người homeless đương nhiên bị xem là “cắm trại nơi đông người.”
image
Ngay phía sau một cơ sở làm ăn của người Việt Nam trên đường Dillow, đoạn cắt ngang Bolsa, chúng tôi gặp một nhóm homeless đang ngồi tụm năm tụm ba. “Hi guys!” Bridgewaters lên tiếng trước. Nhóm homeless chào lại. Hóa ra, họ “quen” nhau từ nhiều năm qua. Bridgewaters là một sĩ quan cảnh sát được giao nhiệm vụ đặc biệt lo về homeless tại địa phương từ nhiều năm nay. Ông nhẵn mặt và biết tên từng “partner” của mình.
Sơn Phan, 33 tuổi, qua Mỹ từ năm 1991, cho biết: “Tôi homeless sau một thời gian ở tù vì hút.” Sơn hút xì ke nhưng đã bỏ từ lâu. Là con lai duy nhất trong một gia đình 4 anh chị em, Sơn cho biết anh quê Sóc Trăng, và tìm đến nhóm homeless này vì “thấy anh em thì mình đến chơi, làm quen, rồi nhập bọn.” Sơn có nghề sửa xe. Anh cho biết sẽ cố gắng tìm việc làm, chứ “sống như vầy không khá.”
Một người khác, ngồi cùng nhóm, tự xưng tên Mike, cho biết anh “đến chơi chung với bạn bè chứ bản thân không phải homeless.” Mike cho biết anh có nhà cửa, vợ con nhưng thích đi chơi. Quay sang Lance: “Rất có thể Mike không phải homeless. Nhìn anh ta xem: cạo râu sạch sẽ, mặc đồ và ăn nói... đàng hoàng.”
Bridgewaters cho biết cảnh sát không phải lúc nào cũng đi tuần để bắt homeless. “Cảnh sát ra quân khi City Counsel chỉ thị phải làm, hoặc khi các chủ doanh nghiệp phàn nàn nhiều quá.” Cảnh Sát Bridgewaters cho biết rằng đi tuần phạt ticket chỉ được thực hiện mỗi khi bị “pressure.” Ông nói thêm, mỗi homeless, sau khi nhận ticket, phải ra tòa để trả tiền. Thường thường, ít khi homeless trả tiền, đơn giản vì không có tiền. Trong trường hợp đó, “đương sự” sẽ vào tù chừng vài ngày đến một tuần. “Ra tù,” Bridgewaters tiết lộ, “đâu cũng vào đấy. Họ sẽ trở lại chỗ cũ.”
Lance, một chuyên viên tâm thần của Sở Y Tế, làm việc cho Psychiatric Emergency Response Team, cho biết anh được cơ quan cử xuống làm việc chung với Sở Cảnh Sát Westminster. Đối với Lance, những người homeless là khách hàng của anh. Nhiệm vụ của Lance là tìm hiểu những người homeless bị tâm thần. Rất nhiều lần, anh vào trong tù, tìm những homeless tâm thần mang ra ngoài. Lance quan niệm Sở Y Tế như một doanh nghiệp mà khách hàng là homeless. “Nếu các bạn muốn chụp hình, các bạn phải xin phép những người homeless. Và tôi khuyên các bạn đừng chụp hình rõ mặt những khách hàng của tôi.”
Nhìn xung quanh “nơi ăn chốn ở” của nhóm người homeless sau đường Dillow, chúng tôi thấy một số chai bia đã uống xong được vất trong các lùm cây. Phía trên trần của mái hiên nhà là một số nồi niêu xoong chảo. Bridgewaters cho biết rằng các homeless Việt Nam thường “trang bị” đồ nấu nướng; và đặc biệt rất thích uống bia. Theo kinh nghiệm của mình, Bridgewaters nhận định: “Mỗi nhóm homeless có những đặc tính riêng. Homeless Spanish và da trắng rất thích hình khỏa thân và rượu. Trong khi đó, homeless Việt Nam thích thực phẩm, bia và... báo Việt ngữ.”
image
Trong bốn lần đi tìm homeless, gồm 3 buổi tại Little Saigon và 1 buổi trên đường Bolsa gần Hoover, nơi có đường xe lửa, được xem là ngoài Little Saigon, chúng tôi nhận ra rằng giới homeless không có khái niệm “lãnh địa,” tức là theo băng nhóm và khu vực riêng. Thường thường, mỗi homeless có một hoàn cảnh riêng. Bản chất của họ lương thiện. Do đó, cho dù tụm năm tụm ba theo nhóm, tính chất của họ không phải băng đảng. Bridgewaters cho biết vẫn có một số homeless Việt Nam buổi tối ngủ chung khu vực homeless không phải Việt Nam.
Một trong các lý do khiến Việt Nam về với Việt Nam, Mỹ về với Mỹ và Spanish về với Spanish là vì văn hóa chung. Những người cùng văn hóa, cùng hoàn cảnh thường dễ tìm về với nhau hơn.
Trong các chuyến tuần tiễu, Bridgewaters cho biết ông ít khi hỏi ID của homeless. “Điều đầu tiên mà họ muốn giấu là... ID. Đơn giản vì ID tiết lộ nhiều điều về nhân thân.”
Về mặt tinh thần, giới homeless có thể được phân thành hai thành phần: những người tỉnh táo và những người mắc những triệu chứng tâm thần.
image
Lee Nguyễn, một homeless thường trực tại khu chợ ABC trên đường Bolsa, góc Magnolia, Westminster, California. Lee, gốc Nha Trang nhưng sinh tại Đà Lạt năm 1963, qua Mỹ từ năm 1990.
Gặp Lee Nguyễn, một homeless lâu đời trong khu chợ ABC, Lee cho biết “Tôi đâu có thất nghiệp. Tôi làm việc cho... chính phủ.” Trong khi nói, Lee đưa tay chỉ lên trời, phát biểu: “Bây giờ chính phủ làm việc bằng computer không hà. Khi tôi ngồi đây, tôi đang làm việc, tôi làm việc bằng... voice.” Lee cho biết tháng này anh chưa được... lãnh lương. Thường thì, theo anh, chính phủ vẫn trả lương cho anh đều đặn bằng cách cho người mang đến đưa tận tay. Lee Nguyễn, gốc Nha Trang nhưng sinh tại Đà Lạt năm 1963, qua Mỹ từ năm 1990. Lúc đầu anh ở tiểu bang Iowa, sau đó về California, để lại vợ ở Kansas City. Anh nói: “Từ hồi qua California đến giờ tôi chưa gặp lại vợ, vì “chương trình làm việc chưa... cho phép.” Lee không bao giờ tắm rửa, nhưng dùng “chemical để clean up.” Anh cho biết thêm, để trau giồi tiếng Việt, anh thường đọc kinh. Mặc dầu “làm việc cho chính phủ,” Lee vẫn bị “ticket” như thường. Anh cho biết đã bị giấy phạt vài lần nhưng không trả. Ngay trước mặt, Lee để một nhành hoa giả do chính tay anh nặn từ... giấy báo. “Tôi bán nhành hoa này giá $370. Để kiếm thêm, tôi làm hoa giả bán cho bà con.”
image
Joshua Hứa, tên Việt Nam là Quang, một homeless trong khu chợ ABC.
Chỉ cách Lee vài chục thước, cũng trong khu chợ ABC, là “điểm hẹn” của một homeless khác: Joshua Hứa. Có lẽ, Joshua là homeless sang nhất trong giới của mình. Joshua đi xe Jeep màu đỏ, đeo nhiều đồng hồ, thích bánh cuốn và đặc biệt, rất thích... ống dòm. Joshua nói rất nhiều, có khả năng nói không bao giờ ngưng và rất tự hào rằng mình... hát hay. Joshua cho biết tên Việt Nam của anh là Quang, và anh đã từng là một technician, đã từng làm nghề kế toán trong bốn năm. Anh qua Mỹ từ năm 1975, trạm dừng chân đầu tiên là trại Pendleton, nơi anh khẳng định rằng “ông Nguyễn Cao Kỳ cũng có ở đó và ngủ gần cái lều của ông anh tui.” Joshua bị ám ảnh bởi “một cây cung và một cục đá.” Không hiểu cây cung và cục đá có vai trò gì, nhưng chắc chắn, với Joshua, đó là những hình ảnh linh thiêng. Trong lúc nói rất nhanh, và không bao giờ muốn ngưng nói, Joshua đề cập đến nhiều tên gọi mà một người bạn đi cùng cho biết toàn là tên gọi trong Thánh Kinh. Khi chia tay Joshua lúc gần nửa đêm, anh nói nhỏ: “Hôm nay tôi có thể nói nhiều.” “Tại sao?” “Hôm nay trời không có sao. God không biết!”
image
Cuốn sổ ghi chép và giải toán đại số của ông Phan Như, hay ngồi trước nhà hàng Hương Giang trên đường Brookhurst.
Vòng qua khu chợ có Phở 86 và nhà hàng Hương Giang trên đường Brookhurst, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông vào độ trên 50 ngồi trước Hương Giang. Kế bên ông la liệt tàn thuốc lá, một ly cà phê sữa, và đặc biệt là một cuốn sách đại số. Ông tên Phan Như, sinh tại Quảng Ngãi, cho biết trước đây đã từng là homeless nhưng gần đây được tiền SSI nên đã “share” một phòng trong khu mobile home. “Tôi đi homeless được 49 tháng. Bây giờ được SSI một tháng $836 nên thuê nhà ở.” Ông Như cho biết đã từng là một công chức hồi còn ở Việt Nam. “Trước 1975, tôi làm tại Phòng Học Vụ của Cao Đẳng Nông Lâm Súc.” Ông Như, sinh năm 1951, khi qua Mỹ đã làm nhiều việc khác nhau. Ông đã từng làm nghề điện tử, làm thợ cho một công ty sản xuất ống nhựa, làm cho một tiệm nữ trang. Sau nhiều lần bị sa thải, ông ly dị vợ, hiện đang sống tại Colorado, để về California.
Trường hợp của ông Như nhắc chúng tôi về giải thích của Bridgewaters và Lance: “Đôi khi, những người bị đẩy vào hoàn cảnh homeless vì những điều rất bất chợt; một lần bị sa thải, một lần cãi nhau với vợ con. Một số khác, do hút xách mà lâm vào thế vô gia cư.”
Ông Như khẳng định một tổ chức quốc tế còn nợ mình một số tiền... $30 triệu. Ông vẫn còn đợi số tiền ấy, và trong khi chờ đợi, mỗi tối, ông ra trước nhà hàng Hương Giang giải toán qua ngày. Trên cuốn vở, chúng tôi thấy nét chữ rất đẹp. Ông Như đang giải những phương trình bậc 3, và cả bậc 4. Nhìn cách ông lấy đạo hàm, tôi đoán ông Như là người có căn bản về toán. Một lần, chiếc xe cũ kỹ của ông bị “tow” vì đậu qua đêm tại một parking lot. Sau 14 ngày không có tiền trả, chủ nhà hàng Hương Giang quyết định cho ông mượn tiền lấy xe ra. Sau khi trả hơn $800, ông Như lấy xe, ít hôm sau, người em của ông từ San José về trả lại số tiền nợ của anh mình.
image
Ông chủ nhà hàng Hương Giang, một người Huế tốt bụng, nói về ông Như: “Ông ấy chỉ hút thuốc, gạt tàn lung tung, ngoài ra chẳng phá phách gì.” Mỗi tối, trước khi đóng cửa nhà hàng ra về, ông “Hương Giang” thường tặng ít tiền cho ông Như. “Thỉnh thoảng có tiền, ông Như vào trong nhà hàng, ngồi đàng hoàng như mọi người. Ăn xong, ông nhất định trả tiền và lưu lại ít tiền tip.”
Ông Như là một trường hợp may mắn. Nhờ có ông Hương Giang và người em trai giúp tiền để có xe chạy. Đa số các homeless đều đi xe đạp. Từ xe hơi chuyển sang xe đạp là cả một quá trình! Lance giải thích rằng, đa số homeless, khởi thủy, đều có xe hơi. Nhưng dần dần về sau, do không có tiền đóng thuế, mua bảo hiểm, hoặc phạm luật bị thâu bằng lái nên bắt buộc chuyển sang xe đạp.
Cảnh sát không “đối đầu” homeless
WESTMINSTER, California - Sĩ Quan Bridgewaters cho biết ông đã trải qua nhiều khóa huấn luyện dành cho người làm việc với homeless, nhất là những homeless bị tâm thần. “Những người ấy thường nghe một thứ âm thanh mà chúng ta không nghe ra.” Bridgewaters giải thích.
Ông nói rằng ông không biết âm thanh ấy có tồn tại hay không, nhưng một thực tế là những người tâm thần khẳng định họ “nghe” được. Những người không có kinh nghiệm, khi gặp những người này, trong lúc nói chuyện lại thấy họ quay sang... không khí nói với một ai đó. “Lúc đầu tôi tưởng họ không tôn trọng mình. Về sau, khi được huấn luyện, các giáo sư cho biết việc nghe những “âm thanh vô thanh” là có thật.” Từ đó Bridgewaters có cái nhìn khác về nhóm người này.
Tuy nhiên, viên cảnh sát cảnh cáo chúng tôi phải cẩn thận khi đứng gần những người nghe “âm thanh vô thanh.” “Bạn sẽ không bao giờ ngờ được sự thay đổi trong suy nghĩ của những người này. Một phút trước, họ có thể là những người hiền nhất thế giới. Và chỉ phút sau đó, họ trở nên vô cùng nguy hiểm. Vì trong đầu họ và trong tai họ là những hình ảnh và âm thanh mà chúng ta không thấy và không nghe được.” Những khi họ đột nhiên trở nên hung dữ, nên hiểu là họ hung dữ với những âm thanh và hình ảnh ấy. Lance giải thích rằng những trường hợp như thế, những người trong nghề như anh, hiểu rằng khách hàng của mình là những người bị bệnh. Trong khi đa số những người khác nghĩ rằng cái con người đang la hét trước mặt mình là một người hung dữ, và vì vậy thường xem họ như một “criminal.”
Trở lại với nhóm homeless trên Dillow, Lance cho biết khi đi cùng cảnh sát, anh không tin những gì homeless nói là thật. “Rất nhiều lần tôi nổi nóng vì ‘khách hàng’ của tôi nói dối tôi.” Lance cho biết. Về sau, chính Lance rút ra kinh nghiệm: “Họ không nói dối tôi, họ nói dối với bộ đồng phục cảnh sát của cảnh sát viên đi cùng. Từ đó tôi không xem vấn đề nói dối là một vấn đề cá nhân nữa. Tôi hết giận!”

image

Một homeless Mỹ, trong tư thế nằm, trả lời những câu hỏi của sĩ quan cảnh sát Dave Bridgewaters và Lance Lindgren
Từ lời nhận xét của Lance, tôi quyết định sẽ làm những cuộc interview độc lập; có nghĩa là không đi cùng cảnh sát. Kết quả có khác thật. Những người homeless tâm sự nhiều hơn, và nói những điều khác với lần tôi đi cùng cảnh sát.
Trong một hẻm tối trên đường McFadden, chúng tôi gặp một homeless đang ngủ say. Lúc ấy đã hơn 10 giờ tối. Cùng Bridgewaters và Lance tiến vào, tôi bất ngờ: hóa ra một homeless... da trắng. Bridgewaters đánh thức ông ta, yêu cầu rút hai tay ra khỏi mền. Người homeless làm theo, nhưng vẫn điềm nhiên nằm tư thế cũ. Trao đổi qua lại, chúng tôi được biết người này có việc làm hẳn hoi. Giọng ngái ngủ, ông nói: “Ngày mai 5 giờ phải dậy đi làm.” Bridgewaters chúc “khách hàng” của mình ngủ ngon rồi đi ra. Tôi hỏi: “Sao ông ấy không ngồi dậy?” “Tại sao phải ngồi dậy?” “Vì ông là... cảnh sát!” Viên cảnh sát lão luyện cười cho biết “không nhất thiết phải bắt ông ta ngồi dậy.” Bridgewaters giải thích: “Phá giấc ngủ là điều không nên. Lại bắt ông ta lấy tay ra khỏi mền, bây giờ lại bắt ông ta ngồi dậy thì thật là không hay.” Bridgewaters kết luận “điều quan trọng là tránh tạo nên tình huống đối đầu. Rõ ràng chẳng cần thiết phải như vậy.” Ông nói thêm rằng mặc dầu vậy, một số cảnh sát viên vẫn chọn phương pháp yêu cầu người homeless ra khỏi... mền.
image
Dave Bridgewaters, vào Tháng Mười này, vừa tròn 23 năm kinh nghiệm làm cảnh sát. Là người được giao làm việc trực tiếp với homeless, ông tỏ ra rất hiểu biết về giới homeless Việt Nam. “Tôi biết từng lùm cây có homeless trong địa phương này.” Bridgewaters nói rằng trước đây Little Saigon không nhiều homeless, về sau, khi cộng đồng Việt Nam phát triển mạnh, homeless Việt Nam kéo về đông hơn. “Một phần vì văn hóa Việt Nam của quý vị.” Bridgewaters nói rằng vì “người Việt Nam hay cho (giving) nên sinh ra homeless. Hơn nữa, văn hóa Việt Nam là tự 'take care' nên mỗi khi va chạm trong gia đình, một người bỏ nhà ra đi và thành... homeless.” Ông kết luận: “Little Saigon là một thành phố trong một thành phố với một lối sống và văn hóa riêng của người Việt Nam. Những người có cùng văn hóa sẽ hội tụ về với nhau.”
image
Lance Lindgren, một “partner” gần gũi của Bridgewater, nói thêm rằng “đôi khi hoàn cảnh sinh ra vô gia cư. Một số người khác lại chọn kiếp sống vô gia cư.” Lance nói rằng Quận Cam có nhiều “shelter” dành cho homeless. Chính anh đã đưa nhiều homeless Việt Nam vào các shelter, nhưng chỉ ít hôm sau lại thấy họ xuất hiện chỗ cũ. “Vào shelter có nơi ăn, chốn ở nhưng người homeless không thích vì muốn tự do, và có thể... uống bia.” Bridgewaters nhận định rằng cuộc sống homeless có quán tính. Có nghĩa là, một khi một người đã “tạo dựng” được một nơi để ngủ và chứa đồ cá nhân, đối với người ấy, đó là nhà. “Nhìn vào đồ đạc, trang bị, có thể biết một người đã đi homeless bao lâu. Điều quan trọng là đừng để họ 'established,' tức là định cư quá lâu một chỗ, thành quen.” Ông cho biết một lần nọ cảnh sát tìm giúp gia đình một homeless ở mãi tận Georgia bên miền Đông. Gia đình gởi một vé máy bay sang và nhờ cảnh sát đưa người homeless ấy lên máy bay về nhà. Mọi chuyện suôn sẻ. Một tuần sau, Bridgewaters thấy người ấy xuất hiện đúng “ngôi nhà” cũ của mình. Hóa ra, người này chấp nhận lên máy bay, bay một mạch về Georgia. Vừa đến nơi, anh ta ra thẳng trạm xe bus Greyhound, đón xe về lại... California. “Nó như cái nhà của mình. Ở lâu, có cảm tình, đi thấy nhớ và nhất định trở lại.”
image
Trong vai trò cảnh sát, đôi khi, quan niệm của Bridgewaters khá “thoáng.” Vòng từ một khu thương mại Việt Nam ra đường Bolsa, đèn xe chúng tôi chiếu sang bên kia đường, có một quán nhậu. Một hình ảnh thật tức cười: một thanh niên sau khi ngà ngà say, đang đứng “câu cá” ngay trên lề đường, mặt xoay vào tường. Viên cảnh sát chĩa đèn pin vào người thanh niên, nói lớn: “Bring it in!” Anh chàng chạy vội vào trong. Tôi làm bộ ngây thơ, hỏi: “Câu cá ngoài đường có bị ticket không?” ông cười, trả lời: “Đủ yếu tố cho ticket” nhưng ông quyết định thôi, vì “đôi khi những người tốt, rất tốt lại làm một điều xằng bậy!”
Trong khu vực thuộc chi nhánh Bưu Điện trên đường Bolsa, chúng tôi gặp một nữ homeless tên Phương Nguyễn. Thoạt đầu, Phương bỏ chạy vì thấy cảnh sát. Khi thấy có nhiều người mặc đồ dân sự đi cùng, Phương có cảm giác không phải một cuộc “ra quân” của cảnh sát nên dừng lại, dáng hơi ngại ngùng. Cô cho biết năm nay đã 27 tuổi. Qua Mỹ từ lúc 4 tuổi và “không biết gì, cũng không nhớ gì về Việt Nam.” Phương, dáng dong dỏng cao, sống với thân phụ. Một ngày nọ, cô cho biết “tham gia đánh lộn ngoài đường, vào tù. Sau khi ở vài tháng, ra tù, cha đã bỏ đi xuyên bang” tự bao giờ. Từ đó, cô đi vào con đường homeless. “Em ăn đồ của bà con cho. Tối ngủ lòng vòng không nhất định.” Phương kể thêm rằng cô đã từng có bạn trai, đã đi học đến lớp Bảy, đã từng làm nghề nhà hàng nhưng “chủ trả thấp quá nên thôi.” Phương cho biết cô đọc được tiếng Việt, hay đọc mục rao vặt Người Việt để kiếm việc làm.
Trước khi kết thúc câu chuyện, Bridgewaters nói với Phương: “Lần sau gặp cảnh sát, cô đừng bỏ chạy. Bởi vì cô không làm gì sai trái cả.” Phương lí nhí: “I am sorry, sir.” Bridgewaters nói với chúng tôi: “Những người homeless hay mặc cảm do bị đối xử không tốt.” Theo ông, đó là điều đáng buồn. Trường hợp của Phương Nguyễn cũng vậy, Bridgewaters cho rằng cô bỏ chạy, một cách không cần thiết, vì sợ.
image
Lúc hơn 9 giờ tối, trong bóng tối nhá nhem của dãy nhà kho trên đường Dillow, chúng tôi thấy lố nhố vài bóng người đang đẩy một chiếc xe dùng để đi chợ, hóa ra là nhóm homeless gặp ban chiều, có cả Sơn Phan và “Anh Ba,” một người đàn ông cao to, cũng là homeless. Họ đang hè nhau đẩy một chiếc xe đi chợ, bên trên chất đầy gỗ và mấy tấm ván lót đồ. Một người trong nhóm, ra dáng thích thú, cho biết: “Chúng tôi đang đi làm! Anh Dzũ cho mấy chục, nhờ dọn giùm mấy cái này.” Hóa ra, anh Dzũ tức doanh gia Trần Dũ, chủ nhân nhiều siêu thị tại Little Saigon. Lance có vẻ thích thú khi thấy những “khách hàng” của mình có việc làm. Điều này chứng minh điều anh nói với tôi hồi chiều: “Không có tiền, họ không thể thay đổi được cuộc sống.”
Công việc của Lance, ngoài việc tìm hiểu và giúp đỡ những homeless bị tâm thần, anh thường mang theo quần áo, giầy dép đến cho họ. Lance nói: “Homeless rất cần thẻ xe bus, thẻ thực phẩm, và đặc biệt là... vớ.”
Lance không hiểu tại sao homeless lại rất cần vớ. Anh tin rằng vì trời lạnh, và vì vớ dễ dơ nhất.
“Hãy đi thăm Người Nhìn Mặt Trời!”
image

Ông Lai Phan, biệt danh “Người Nhìn Mặt Trời,” một homeless lâu đời trước tiệm cơm chay Vạn Hạnh trên đường Bolsa
Bridgewaters nói với Lance. Cả hai giải thích với tôi rằng Người Nhìn Mặt Trời là một homeless Việt Nam, trụ trì quanh năm trong khu cơm chay Vạn Hạnh trên Bolsa. Lai Phan, với biệt danh Người Nhìn Mặt Trời, có lẽ là một trong những homeless im lặng nhất. Ông ngồi bên tiệm cơm chay Vạn Hạnh từ năm này qua năm khác, tai lúc nào cũng đeo một dây nghe radio. “Xưa giờ 10 năm rồi không có nhà.” Ông Lai cho biết. Trước 1975, ông Lai ở đường Kỳ Đồng, Quận 3. Ông qua Mỹ từ năm 1975, lúc mới 21 tuổi. Lúc đầu ông ở Texas, làm nghề “Food To Go,” sau về Minnesota, cuối cùng dọn về California vì “nơi đây đông người Việt Nam.”
“Người Nhìn Mặt Trời” Lai Phan có một cuộc sống “vương giả:” ông, từ nhiều năm nay, chỉ tắm biển mà thôi. “Hai, ba tuần tôi đón xe bus một lần, đi thẳng ra Huntington Beach... tắm biển.” Những ngày không tắm, ông Lai dùng... dầu thơm. Lục trong túi xách, ông rút ra một chai dầu thơm, hiệu Jordache. “Mua ở chợ 99!” Ông Lai đã bị 10 giấy phạt vì ngủ nơi công cộng; cả 10 lần, ông đều không đóng tiền, vào tù 4 ngày lại ra. Thú vui duy nhất của ông bây giờ là “nghe radio để theo dõi tin tức.” Ông Lai là một trong những homeless có vẻ điềm tĩnh nhất khi cảnh sát lại gần. Một phần vì ông đã quen quá với Bridgewaters và Lance, phần khác vì ông tin cảnh sát ở Mỹ tốt hơn ở... Việt Nam. “Ở Việt Nam,” ông nói, chắc nói về Việt Nam trước 1975, “bắt homeless vào trại tế bần. Ở Mỹ ‘cao’ hơn, nói thôi, không bắt.” Ông quả quyết rằng ông không sợ cảnh sát.
Được hỏi vì sao, ông Lai nói chậm rãi: “Cảnh sát cũng... thường thôi.”
Mỗi ngày, nhu cầu của ông Lai là... một đồng. “Một đồng bạc là có cơm ăn.” Ông đưa tay chỉ tiệm Vạn Hạnh. Cũng như bao nhiêu người khác, ông mơ ước có tiền, làm giàu. Và ông mua vé số. “Con người trao đổi với nhau bằng tiền. Có tiền thì sẽ có tiền nhiều thêm.” Rồi ông nhìn lại ông, cười cười, nói: “Như tui,... khó giàu.” Thỉnh thoảng, ông Lai mua vé số, và ông tâm nguyện nếu trúng sẽ cúng chùa một ít, còn lại mang gởi vô bank. Thời giờ rảnh, ông dùng để sám hối vì tin rằng con người sống cần có đạo đức.

image

Hoàng Trọng Vũ, một “cựu” homeless, hiện nay rất thỏa mãn với cuộc sống bình thường của mình. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Chui xuống gầm xa lộ thăm homeless
WESTMINSTER, California - Đó là lần đầu tiên tôi được chui xuống gầm một xa lộ! Ngoài trời nắng chang chang, nóng kinh khủng. Nhưng vừa chui xuống bóng mát gầm xa lộ, nhiệt độ giảm hẳn, gió mát hiu hiu. Đó là gầm xa lộ 405, đoạn song song Bolsa gần Hoover. Đây là “nhà” của cả một đội quân homeless Mỹ.

image

Vào buổi tối, đi xe, thậm chí đi bộ, ngang các lùm cây này, sẽ chẳng một ai biết được phía bên trong là “nhà” của một homeless.
Một buổi sáng yên tĩnh, không một bóng người, nhưng có bóng dáng của sinh hoạt thường nhật. “Chắc đi làm hết rồi.” Bridgewaters nhận xét. Lance cho biết cuộc sống của homeless, về giờ giấc, cũng từa tựa người thường: tối về “nhà” ngủ, sáng... đi làm. Chúng tôi len lỏi trong các đám cây chạy dọc bức tường xa lộ 405. Lance chỉ một bụi rậm: “Trong đó có homeless.” Anh quả quyết như thế vì thấy đám cỏ xẹp xuống. Leo lên sát gầm cầu xa lộ, chúng tôi quan sát từng ngăn, được ngăn cách bởi các dầm bê tông đỡ xa lộ. Cứ cách vài ngăn lại có một “nhà.” Quan sát một căn nhà vắng chủ: quả có sự khác biệt với homeless Việt Nam. Trong “nhà,” chủ đã sắp xếp ngay ngắn các vật dụng: một cẩm nang đi xe bus, một cuốn sổ tay, một cây viết và một gói thuốc rê hiệu TOP. Có cả nước cam và thực phẩm! Trong góc nhà là một tự điển Webster. Nếu không có tiếng xe vọng từ trên xuống, có lẽ đây là một địa điểm lý tưởng để ngủ trưa vào mùa Hè.
Những đô thị nhiều homeless nhất Hoa Kỳ
image
Detroit: 1.65%
Orange County: 1.17%
Boston: 1.02%
Los Angeles County: 0.92%
San Francisco: 0.84%
King County (Seattle): 0.47%
Santa Clara County: 0.45%
(Tài liệu: Institute for the Study of Homeless and Poverty at the Weingart Center)
Trên con đường dẫn vào khu vực homeless, trên các vách tường, người ta có thể thấy đầy những hình vẽ “graffiti.” Bridgewaters cho biết các hình vẽ nguệch ngoạc này không phải là tác phẩm của homeless. “Mấy tay homeless thường chẳng bao giờ tham gia vào các trò vẽ bậy này.” Ông nói, như đinh đóng cột:
“Mấy tay phá phách và thích vẽ bậy vào mấy chỗ vắng vẻ này để... thi vẽ graffiti.”
image
Trên con đường về lại Little Saigon, chiếc xe đi ngang qua nhiều ngã tư có những người Mỹ đứng ôm bảng “Homeless” để xin tiền. Bridgewaters cho biết ôm bảng đứng giữa đường là phạm luật. Theo luật, một tấm bảng của một cơ sở làm ăn, muốn được trương ra nơi công cộng, phải có giấy phép thành phố.
Người homeless ôm bảng đứng ngoài đường thì chắc chắn không có giấy phép. Điều lạ, trong số những người xin tiền ở các ngã tư đường tại Little Saigon, không thấy một người Việt Nam nào cả; toàn là Mỹ. Có người tự xưng là... cựu giáo sư đại học Berkeley, một số khác là cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về chuyện có nên cho tiền những homeless này. Có người cho rằng, đối với những homeless từng là cựu chiến binh tại Việt Nam, người Việt Nam nên giúp đỡ. Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do có nhiều homeless Mỹ tại Little Saigon. Có người, ngược lại, phản đối việc cho homeless tiền, vì tin rằng họ không chịu đi làm.
Một người bạn, rất thường dừng xe nơi các ngã tư tại Little Saigon, để... cho tiền homeless, lại có một lý luận rất khác. Anh nói: “Mỗi lần đi ngang ngã tư hay ghé qua cây xăng, tôi hay cho homeless 1 đồng, có khi mua lon bia cho ông già lở lói ngồi cây xăng Shell góc Magnolia và Bolsa.” Anh bạn tôi không nghĩ mình là người tốt bụng, ngược lại, anh nói, “dù mới qua Mỹ hơn 3 năm, tôi luôn cảm thấy mắc nợ mấy người homeless này, đưa chút tiền cho họ là một bổn phận đương nhiên.” Anh bạn tôi giải thích rằng, mấy người homeless đó có khi đã từng đi làm, đóng thuế, chính phủ lấy tiền thuế đó vớt H.O. qua, cho trợ cấp, cho Medical, cho chữa bệnh “chùa,” cho đi học, cho housing, cho tiền già. Anh bạn này cưới con của một H.O. rồi cô vợ bảo lãnh anh qua hồi 2003, anh nghĩ rằng, về “nhân-quả,” sự hiện diện của anh nơi đất Mỹ này, có phần tiền, mồ hôi nước mắt của mấy anh homeless anh hay gặp.
Chỗ thân tình, anh than, có ý như trách:
“Một số người quen của anh, lớn tuổi, hưởng nhiều thứ của nước Mỹ, nhưng mỗi khi con cái chậm xe ở ngã tư để cho tiền homeless, thì cứ bực bội rầy rà.” Anh kết luận: “Nhiều người chỉ thích sự vẻ vang, trọng vọng trong cộng đồng mà không chú ý tới điều nhỏ nhặt; homeless không phải là nơi để thực hành sự tiếng tăm.”
Thành phần homeless tại Quận Cam (2005)
Người già: 14%
Nạn nhận bạo hành trong gia đình: 9%
Thanh, thiếu niên: 7%
Cựu chiến binh: 7%
Phụ nữ đang mang thai: 4%
Người nhiễm AIDS/HIV: 2%
(Tài liệu: InfoLink Orange County, County of Orange Housing and Community Services Department, OC Partnership)
image
Số lượng homeless đang ngày càng gia tăng tại Quận Cam. Theo một thống kê của Trung Tâm Weingart, chuyên nghiên cứu về homeless và nạn nghèo đói, Quận Cam là khu vực có số lượng homeless cao thứ nhì toàn quốc, chỉ sau Detroit, và đứng trên Boston. Riêng tại Little Saigon, theo lời Bridgewaters, “có khoảng 70 homeless, đa số là người Việt Nam.” Theo thống kê của Sở Cảnh Sát Westminster, cứ 307 cú điện thoại gọi vào cảnh sát, hết 186 cú liên quan đến homeless. Một chi tiết thú vị hơn nữa, thành phố Westminster, vào buổi tối, 80% người đi ngoài đường là cư dân đến từ các thành phố lân cận. Lance nói với Người Việt:
“Điều khó khăn của những người homeless là không có cơ hội. Điều chính yếu là cho họ cơ hội. Và chính họ phải biết tận dụng cơ hội để trở lại cuộc sống bình thường.”
Bridgewaters đồng ý với nhận định ấy, ông nói: “Vấn đề homeless không bao giờ có điểm kết thúc. Đây là vấn đề muôn thuở.” Và ông thêm rằng, chẳng ai cho ai con cá, điều quan trọng là dạy người ta câu cá, và cho người ta cần câu. Ý Bridgewaters, và cả Lance, giống nhau: để trở lại cuộc sống bình thường, chính cá nhân mỗi homeless phải tự cố gắng. Sơn Phan, người homeless 33 tuổi đã được đề cập, cũng thừa nhận điều ấy: “Sống như vậy không khá!”
image
Sơn biết chắc chắn như vậy, và Sơn đã cố gắng để khá hơn. Chúng tôi trở lại gặp Sơn vào một ngày giữa Tháng Mười, trông anh có vẻ tươi tỉnh và tự tin hơn. Sơn, ngồi chung với 4 người bạn khác, cho biết anh vừa tìm được việc làm hôm qua, tại một tiệm sửa xe. “Tuần sau sẽ đi mướn nhà. Có nhà là có tất cả.” Sơn mãn nguyện.
image
Có nhà là có tất cả! Thật vậy, cái nguyên tắc căn bản để một người được xem là sống “bình thường,” là “Foods, Clothes, and Shelter:” đồ ăn, quần áo và nơi để ngủ. “Hồi tôi đi homeless lần đầu, người ta dạy tôi muốn thoát khỏi homeless phải biết tự lo liệu ba điều: đồ ăn, quần áo và nơi ngủ.” Anh Hoàng Trọng Vũ, 48 tuổi, một “cựu” homeless giải thích. Anh Vũ, trông dáng rất đẹp so với tuổi 48, nụ cười rất hiền, ngồi trước quán Kang Lạc trên đường Bolsa, nói chuyện với chúng tôi về khoảng thời gian 2 năm vô gia cư của anh.
Hoàng Trọng Vũ không uống bia, chỉ hút thuốc lá. Nhớ về những ngày đi lang thang, Vũ nói, rất chững chạc và rất đàn anh:
“Không bao giờ nên ra đường sống. Mất hết tuổi trẻ thôi.”
Vũ hiện đang phải uống thuốc an thần, anh cho biết. “Hồi trước, lúc nào cũng nghe tiếng o, o, o... trong đầu.” Khi được bác sĩ chứng nhận tình trạng sức khỏe, Vũ được cho vào “bording house,” và được chu cấp thuốc uống liên tục. Uống thuốc đều, Vũ thấy người trở lại bình thường, từ đó sinh ra “đi chơi liên tục. Mà bác sĩ và quản lý bording house cũng chẳng phàn nàn chuyện tôi đi sớm về trễ. Chắc họ nghĩ Hoàng Trọng Vũ còn đi chơi được là... còn khỏe.” Anh cười thật tươi. Mỗi ngày Vũ hít đất 200 cái. Khi khỏe, tăng lên 300. Vũ không uống bia, chỉ hút thuốc lá. Nhớ về những ngày đi lang thang, Vũ nói, rất chững chạc và rất đàn anh: “Không bao giờ nên ra đường sống. Mất hết tuổi trẻ thôi.”
Theo Vũ, ra đường là điều chẳng đặng đừng, một số người trẻ tuổi ỷ lại vào sức khỏe, cứ sống lang thang. “Đến khi giật mình nhìn lại thì đã già.”
Bây giờ, Vũ ra nhà hàng Kang Lạc là để tránh việc “ở nhà nhiều quá, ngủ nhiều sẽ bị sleeping disorder.” Anh đến ngồi trước Kang Lạc, làm quen với mấy người làm tại đây. Một thanh niên làm việc tại Kang Lạc, có vẻ thân với Vũ, cho biết “Anh ấy chỉ ngồi đó thôi, không phá phách gì hết.” Rồi anh chỉ tay vào bộ đồ Vũ đang mặc, chọc quê: “Chơi hàng hiệu hẳn hoi.”
Bao nhiêu người sẽ may mắn như Sơn Phan và Hoàng Trọng Vũ? Bao nhiêu người sẽ có nhà ở, hoặc có việc làm và sẽ đi mướn nhà? Câu chuyện của Sơn và Vũ cho thấy những may mắn ấy, thật ra, tùy thuộc vào chính người homeless.
Bridgewaters đã nói: “Đừng để họ đi homeless lâu quá. Đừng để họ established.”
Ngồi chung với Sơn Phan trong một con hẻm tối om om sau lưng tiệm “7-Eleven” ngay góc Magnolia và Bolsa, Trần Quang Bình, 33 tuổi, chỉ vừa “bước vào cuộc đời homeless được một tháng.” Trước khi mở đầu câu chuyện, Bình nói ngay:
“Em muốn đi rehab.” Hóa ra, Bình chơi xì ke. “Em chơi xì ke, có problems với vợ nên bỏ nhà ra đi. Bây giờ em muốn đi cai.”
Bình, qua Mỹ năm 1989, đã học trung học tại Mỹ, đã làm người bán furniture trong 5, 6 năm. Bình có vẻ hối hận về chuyện hút xách của mình. Anh cho biết anh không còn hy vọng về lại với vợ, nhưng chắc chắn sẽ đi cai. Khi Bình lâm vào cuộc sống homeless, bố mẹ anh ở tiểu bang khác chưa biết gì về việc này! Cuộc sống của Bình bây giờ, giống như tất cả các homeless khác: sống nhờ vào đồng hương, không có chỗ tắm rửa nên “ở dơ luôn,” ngủ ngoài đường, bị giấy phạt và chẳng bao giờ trả tiền phạt.
Bình trái ngược hẳn với Sơn. Trong khi Bình trông lúng túng, mang cái vẻ của người mới sa cơ, Sơn ngồi vắt vẻo trên một thùng rác, dáng tự tin: “Có việc làm, mướn được cái phòng là thoát!” Anh nhấn mạnh chữ “thoát.” Tức là thoát khỏi kiếp homeless. Tôi hỏi anh có happy không. Anh trả lời ngắn gọn: “Bắt buộc!”
image
Chỉ ba tháng trước đó, tâm trạng của Sơn giống hệt Bình. Ba tháng trước, Sơn ngồi bệt dưới đất trên vỉa hè đường Dillow, trông cũng “sa cơ” như Bình bây giờ. Lúc ấy, Sơn nói anh sẽ đi kiếm việc làm. Nhưng cái kẹt của Sơn, là “bộ vó.” Anh nói: “Trông tướng tá như thế này ai cho việc làm.” Cán sự xã hội Lance, lúc đó hỏi tôi: “Sơn mang giầy số mấy?” Hóa ra, Lance hiểu được hoàn cảnh của Sơn. Anh muốn Sơn trông tươm tất hơn, để dễ tìm việc làm hơn!
Thiện Giao & Nhơn Thành

--
Caroline Thanh Huong



image

JOHN LEGEND LYRICS "All Of Me" [Verse 1:] What would I do without your smart mouth? Drawing me in, and you kicking me out You've got my he...

Preview by Yahoo

 


--

Caroline Thanh Huong

CAROLINETHANHHUONG: Tìm hiểu người Mỹ homeless ở Little Saigon.





image

JOHN LEGEND LYRICS "All Of Me" [Verse 1:] What would I do without your smart mouth? Drawing me in, and you kicking me out You've got my head...


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire